Xây trên đất thóp hậu, nhà ống 4 tầng vẫn đẹp mê

Xây trên đất thóp hậu, nhà ống 4 tầng vẫn đẹp mê


Hỏi: Tôi có mảnh đất rộng 110m2, thóp hậu. Sắp tới, tôi muốn xây nhà ống 4 tầng phong cách hiện đại trên mảnh đất này làm nơi sinh sống lâu dài.

Gia đình tôi có 7 thành viên gồm ông bà, hai vợ chồng, hai con trai và một cô con gái. Mong kiến trúc sư tư vấn phương án thiết kế nhà ống 4 tầng đầy đủ công năng sử dụng, bài trí khoa học.

Lưu ý, tôi muốn dành một phần diện tích phía trước làm nơi để ô tô, xe máy. Ngoài phòng của các thành viên trong nhà, cần có thêm phòng ngủ cho giúp việc, phòng ngủ dự phòng cho khách.

Trân trọng cảm ơn!

Kiến trúc sư tư vấn thiết kế nhà ống 4 tầng thóp hậu:

Thông thường, khi thiết kế nhà ống trên đất thóp hậu, kiến trúc sư sẽ dựa trên nguyên tắc "gặp đất xéo thì làm nhà vuông, gặp nhà xéo thì làm phòng vuông". Có nghĩa là, những phần đất bị móp hoặc khó đưa vào những không gian chính sẽ được xử lý thành các không gian phụ như nhà vệ sinh, nhà kho tiểu cảnh…

Thế nhưng, diện tích đất của gia đình bạn khó có thể cắt xén như vậy, bởi sẽ làm hạn chế không gian sử dụng cho các khu vực quan trọng khác, nhất là nhà bạn lại khá đông thành viên. Do đó, kiến trúc sư quyết định xử lý bằng cách khéo léo bài trí nội thất khoa học nhằm khắc phục nhược điểm của lô đất.

Tầng 1


Sau cổng vào là khoảng sân trước khá rộng đậu ô tô và xe máy cho các thành viên trong gia đình. Cầu thang dẫn lên các tầng trên nhà ống được thiết kế gọn gàng ở góc nhà bên trái nhìn từ cửa vào, đảm bảo tầm nhìn thông thoáng, không bị che khuất.

Tiếp đến là không gian phòng bếp kết hợp phòng ăn thoáng đãng, rộng rãi, đủ chỗ để đặt hai bộ bàn ăn khi nhà đông khách. Khu bếp - ăn luôn thông thoáng nhờ cửa mở ra sân gia công, sơ chế thực phẩm tươi sống phía sau nhà.

Tầng 1 còn có một phòng vệ sinh chung nhỏ tiện nghi, thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày.

Tầng lửng


Mặt bằng bố trí nội thất tầng lửng
 
Kiến trúc sư bố trí phòng khách và phòng ngủ ông bà trên tầng lửng. Trong đó, phòng khách nằm ở phía trước, hướng nhìn ra khoảng thông tầng ngập tràn nắng gió tự nhiên. Nội thất phòng khách được thiết kế theo phong cách hiện đại, tông màu trung tính nhã nhặn, bài trí đối xứng hài hòa.
 
Để đảm bảo sự yên tĩnh, riêng tư thiết yếu và thuận tiện cho sinh hoạt của người già, kiến trúc sư bố trí phòng ngủ ông bà ở phía trong với vệ sinh khép kín. Nội thất phòng ngủ đơn giản với giường đôi, bàn đầu giường, tủ quần áo, kệ tivi... màu nâu gỗ ấm áp, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu.

Tầng 2

Mặt bằng bố trí nội thất tầng 2 nhà ống

Toàn bộ mặt sàn tầng 2 nhà ống thóp hậu dành để thiết kế 4 phòng ngủ cho bố mẹ và các con. Phòng ngủ master rộng 32m2 nằm ở phía trước nhà, có vệ sinh khép kín và cửa sổ kính lớn đón sáng tự nhiên. Cùng với đó là cửa mở ra ban công riêng - nơi bài trí cây xanh, tiểu cảnh làm góc thư giãn, hóng gió lý tưởng.

Cạnh phòng ngủ của bố mẹ là phòng của cô con gái út. Trong khi đó, 2 phòng ngủ của hai cậu con trai được thiết kế ở hai bên cầu thang. Các phòng đều có vệ sinh khép kín và đầy đủ tiện ích thiết yếu cho sinh hoạt, học tập.

Cầu thang và khoảng thông tầng giúp lấy sáng tự nhiên, lưu thông không khí cho các phòng trên tầng 2 nhà ống. Đây là giải pháp thiết kế phổ biến cho loại hình nhà ống tại các đô thị lớn lớn hiện nay.

Tầng 3


Mặt bằng bố trí nội thất tầng 3 nhà ống

Mặt sàn tầng 3 nhà ống gồm nhiều không gian chức năng khác nhau. Trong đó, phòng thờ nằm ở phía trước, hướng nhìn về hướng tốt. Với cửa lớn hai cánh mở ra ban công riêng, không gian thờ cúng luôn thoáng đãng và tận dụng được tối đa nguồn sáng tự nhiên.

Cạnh phòng thờ là phòng ngủ dự phòng dành cho khách với đầy đủ tiện ích thiết yếu. Đặc biệt, căn phòng có cửa mở sân chơi nhỏ phía trước - nơi gia chủ trồng cây, bố trí tiêu cảnh, tạo cảnh quan xanh mát, sinh động.

Phòng ngủ nhỏ dành cho giúp việc được thiết kế cạnh cầu thang với diện tích vừa đủ để bố trí nội thất cơ bản.

Phòng vệ sinh chung tiện nghi nằm ở vị trí trung tâm trên tầng 3, dễ dàng tiếp cận từ các phòng chức năng khác. Phía cuối nhà là khu giặt phơi rộng rãi, có mái che mưa nắng.


Mặt bằng mái nhà ống

Phối cảnh 3D mẫu nhà ống 4 tầng thóp hậu

Kiến trúc mặt tiền nhà ống 4 tầng nổi bật với tông màu trắng chủ đạo và các nét thẳng, ngang khỏe khoắn. 

Tuy được xây dựng trên đất thóp hậu nhưng nhìn tổng thể, kiến trúc nhà ống
vẫn rất cân đối, hài hòa.

Lan can ban công cắt CNC tinh tế, cầu kỳ với màu vàng đồng tạo điểm nhấn cho mặt tiền nhà ống 4 tầng thóp hậu.

Theo thanhnienviet

Nhà ống ngập ánh sáng nhờ mảnh vườn hình tam giác

Nhà ống ngập ánh sáng nhờ mảnh vườn hình tam giác


QUẢNG NAM - Ngôi nhà có 5 thành viên với yêu cầu thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của kiến trúc Hội An như nhà mái dốc, có giếng trời, cửa gỗ lam...

Thêm vào đó, gia chủ còn mong muốn ngôi nhà trên mảnh đất 75 m2 nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở Hội An vẫn gần gũi với môi trường, đủ yên tĩnh để nghỉ ngơi, cách bố trí không gian cũng phải phù hợp với hoạt động thường ngày.

Ngôi nhà nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Tô Hữu Dũng.

Tầng trệt là không gian sinh hoạt chính của cả gia đình. Phòng khách, bếp và phòng ăn liên kết với phòng ngủ dành do bố mẹ chủ nhà, ở giữa hai khu vực này là khoảng sân kết hợp giếng trời được thiết kế hình tam giác để đem tới sự khác lạ cho công trình.

Nhờ khoảng sân giữa, nhà có nhiều ánh sáng và gió, tạo sự thông thoáng cần thiết, góp phần giữ sức khỏe cho các thành viên. Đây cũng là nơi uống trà, đọc sách và thư giãn.

Khoảng sân giữa nhà kết nối không gian và lấy ánh sáng, gió trời cho cả công trình. Ảnh: Tô Hữu Dũng.

Tầng hai đặt một phòng ngủ của vợ chồng và thêm một phòng ngủ của con trai mới chào đời. Cả hai phòng ngủ này đều có những mảng cửa kính lớn nhìn ra giếng trời, nhằm mục đích lấy thêm nhiều ánh sáng và tạo đối lưu không khí.

Ở tầng áp mái, phía trước là phòng thờ cùng một khoảng sân trồng nhiều cây xanh để giảm bớt cường độ nắng chiếu xuống sàn bê tông gây nóng cho tầng phía dưới. Phía sau có thêm một phòng ngủ để dự phòng mỗi lần chủ nhà đón bạn bè hay người thân ở lại.

Không gian phòng ngủ master. Ảnh: Tô Hữu Dũng.

Khoảng sân dẫn vào nhà.

Không gian phòng khách, bếp và phòng ăn nối liền.

Không gian sinh hoạt chung kết nối với phòng ngủ của bố mẹ chủ nhà thông qua khoảng vườn hình tam giác.

Khoảng vườn là nơi thư giãn yêu thích của gia đình.

Nó cũng có tác dụng kích thích tinh thần lạc quan của các thành viên.

Giếng trời đưa ánh sáng và gió đến mọi không gian trong nhà.

Nhờ đó, các phòng ngủ đều có mặt thoáng tiếp xúc với thiên nhiên.

Trong phòng ngủ master, phòng thay đồ và toilet ngăn cách với khu vực nghỉ ngơi bằng vách kính, tạo cảm giác rộng rãi và sáng sủa.

Ban công tầng hai được tận dụng làm chỗ trồng cây.

Phía trước tầng áp mái cũng có một mảnh vườn nhằm chống nắng cho công trình. Nhờ hệ thống tưới tự động, gia chủ không mất nhiều công chăm sóc cây cối.

Công trình lúc lên đèn.

Căn nhà nhìn từ trên cao.

Đọc thêm bài về thiet ke biet thu đẹp

Theo vnexpress

Những nguyên tắc trang trí ngôi nhà đẹp

 Những nguyên tắc trang trí ngôi nhà đẹp


Trang trí nhà cửa không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ của bạn mà còn thể hiện được cá tính riêng của mỗi người.Tuy nhiên, để trang trí làm sao cho phù hợp và hài hòa với ngôi nhà thì bạn nên lưu ý một số nguyên tắc sau

Trang trí nhà cửa với phong cách phù hợp

Đây là nguyên tắc đầu tiên cần nhớ khi trang trí nhà. Dựa vào phong cách kiến trúc, không gian, lối sống của gia đình để lựa chọn được phong cách trang trí nhà cửa phù hợp, tạo nét thẩm mỹ, thoải mái cho người ở. Đọc thêm 


Trang trí nhà cửa cần tạo sự cân bằng trong màu sắc

Để mang đến trạng thái cân bằng cho ngôi nhà cũng như không gian sống thoải mái, bạn nên chú ý đến sự cân bằng giữa gam màu nóng và lạnh, sáng và tối. Nếu phòng khách với sơn tường trắng chủ đạo có thể chọn sofa màu trung tính hoặc kết hợp với món đồ trang trí màu nóng, tạo điểm nhấn. Nếu như căn phòng có diện tích nhỏ thì hạn chế sử dụng nhiều màu sắc gây rối mắt.


Bạn nên căn cứ vào hiện trạng ngôi nhà và không gian ngôi nhà của mình để lựa chọn món đồ thích hợp. Không nên chọn đồ quá to trong căn phòng bé nhỏ và ngược lại.

Không sử dụng quá đồ nội thất

Một căn phòng chứa quá nhiều đồ đạc sẽ phá hỏng vẻ đẹp và sự thoải mái vốn có của nó. Tổng thể căn nhà sẽ lộn xộn, trông giống một chiếc kho chứa đồ, rất mất thẩm mỹ.

Trang trí nhà cửa với ánh sáng tự nhiên và nhân tạo

Ngay cả khi không gian của bạn có đủ ánh sáng tự nhiên thì việc bổ sung chiếu sáng nhân tạo sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ không gian lên rất nhiều. Chiếu sáng nhân tạo còn giúp tạo điểm nhấn, đặc tả chất liệu nội thất hay các món đồ trang trí. Việc bố trí thêm các loại đèn bàn, đèn kệ thực hiện rất dễ dàng.

Trang trí nhà cửa với điểm nhấn trước cửa

Bạn có thể trang trí trước cổng bằng cây xanh, hoa hay màu sơn cho cổng. Điểm nhấn này sẽ tạo cảm giác thân thuộc cho chủ nhân mỗi khi trở về.


Điểm nhấn của cây xanh

Cây xanh có thể làm đẹp cho mọi không gian kiến trúc, từ phòng khách đến phòng ngủ. Cây xanh mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, gần gũi thiên nhiên. Tùy không gian từng phòng, bạn có thể lựa chọn loại cây, kích thước cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu không am hiểu lĩnh vực trang trí nhà, bạn nên tham khảo nhiều người trước khi trang trí nhà cửa để tránh lãng phí hoặc không phù hợp.

Nguồn tin: batdongsan.petrotimes.vn

Thiết kế bệnh viện nhi độc đáo khiến bố mẹ phải "thuyết phục" trẻ xuất viện

Thiết kế bệnh viện nhi độc đáo khiến bố mẹ phải "thuyết phục" trẻ xuất viện


Các kiến trúc sư đã tạo ra nội thất hình vòm đầy màu sắc với chủ đề động vật ngộ nghĩnh, đám mây trên bể bơi trong nhà, cầu trượt xoắn ốc để mang đến trải nghiệm thú vị cho trẻ tại bệnh viện nhi ở Samut Sakhon, Thái Lan.

Toàn cảnh bệnh viện nhi ở Thái Lan với hình khối kiến trúc ấn tượng, lạ mắt.

Những khung cửa kính trong suốt hình vòm với kích cỡ đa dạng mang đến tầm nhìn đẹp, đồng thời tạo mắt cắt thú vị cho ngoại thất công trình. 

Những điểm nhấn vui nhộn trong bệnh viện nhi là một cầu trượt màu vàng tươi sáng xoắn ốc, hình động vật phía trên giường bệnh và các chòm sao phát sáng như đèn ngủ.

Công trình nằm trong danh sách lựa chọn nội thất thư giãn và chăm sóc sức khỏe của năm 2020 do Dezeen bình chọn.

Thiết kế nội thất bệnh viện nhi tạo không gian thoáng sáng, vui nhộn, đáng yêu để trẻ nhỏ không cảm thấy xa lạ, sợ hãi khi tới khắm bệnh.

Phòng chờ màu hồng có khu vui chơi và ghế dài êm ái cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn.

Khu vực chờ của mỗi phòng khám được thiết kế thành sân chơi, điều này trở thành "gánh nặng" cho các bậc phụ huynh khi phải thuyết phục bọn trẻ xuất viện.

Các phòng được sơn với tông màu phấn nhẹ nhàng, xanh và vàng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình.

Các phòng được trang trí theo chủ đề động vật sinh động như đèn trần hình thỏ.

Một phòng bệnh khác gắn đèn trần hình cá heo voi ngộ nghĩnh.

Ánh sáng trong tất cả các phòng và hành lang cũng được thiết kế nhẹ nhàng, thay vì ánh sáng huỳnh quang gay gắt thường thấy trong bệnh viện.

Đèn gắn trần mô phỏng các chòm sao trên bầu trời.

Nhà vệ sinh dành cho nữ được ốp lát gạch màu hồng. Bồn rửa và vệ sinh được thiết kế thành hốc hình vòm, với một nửa thiết bị được đặt ngang tầm với của trẻ để dễ dàng tiếp cận.

Phòng vệ sinh nam có thiết kế tương tự với gạch ốp màu xanh dương nhẹ nhàng.

Nội thất bệnh viện nhi được thiết kế thấp gọn, bo tròn để đảm bảo sự tiện dụng và an toàn.

Các nhà thiết kế đã đưa các yếu tố vui nhộn như đám mây phía trên bể bơi và các khu vui chơi nhẹ nhàng trong phòng chờ, để giúp đánh lạc hướng những đứa trẻ có thể lo lắng hoặc cảm thấy không khỏe.

Có thể nói, bệnh viện Nhi đồng EKH sẽ thay đổi nhận thức của mọi người về không gian của bệnh viện dành cho trẻ em.

Mặt bằng tầng 1 bệnh viện nhi

Mặt bằng tầng 2 bệnh viện nhi

Mặt bằng tầng 3 bệnh viện nhi

Mặt bằng tầng 4, tầng 5 bệnh viện nhi


Theo thanhnienviet

Ngôi nhà 2 tầng với thiết kế đơn giản mà ấn tượng

Ngôi nhà 2 tầng với thiết kế đơn giản mà ấn tượng


Nhà 2 tầng ở TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) được thiết kế theo phong cách hiện đại, đơn giản nhưng cực hút mắt với chất liệu bê tông chủ đạo kết hợp hài hòa với gỗ, kính. Đặc biệt, khoảng sân vườn với cây ăn quả và thảm cỏ xanh mướt mang đến cho không gian sống bầu không khí trong lành, cảm giác an yên lạ thường.

Ngôi nhà phố 2 tầng là tổ ấm của một cặp vợ chồng trẻ đã có con, kết hợp không gian bếp riêng biệt dành cho chuỗi nhà hàng của gia đình có tên "Phở Dạ".

Gia chủ mong muốn sở hữu không gian làm việc tại nhà kết nối cuộc sống hàng ngày để có thể trực tiếp thử và sáng chế ra công thức gia truyền cho món phở. Bên cạnh đó, họ cũng yêu thích không gian sống gần gũi với thiên nhiên.

Mảnh đất nằm trong khu vực đang phát triển của thành phố, nơi có mật độ xây dựng thấp và chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Có rất nhiều ngôi nhà nhỏ đã được xây dựng trước mặt tiền của công trình. Với chiều sâu 50m, ngôi nhà tiếp giáp với khu vườn gần đó. 

Với không khí trong lành ở hướng Đông Nam, kiến trúc sư cho tạo ra một bãi cỏ trống rộng làm không gian đệm, không chỉ phục vụ sinh hoạt bên ngoài mà còn kết nối không gian làm việc của gia đình với ngôi nhà chính.

Ở ngôi nhà chính, nhà thiết kế bố trí các không gian riêng tư như phòng ngủ và không gian sinh hoạt của gia đình thành một khối hộp, được nâng lên khỏi mặt đất.

Bằng cách này, tầng đầu tiên được giải phóng, cung cấp tầm nhìn về các không gian dọc theo chiều sâu của khu đất. Trong đó, bàn ăn là trung tâm sinh hoạt ở tầng trệt ngôi nhà.

Để tăng cường sự liên kết, kiến trúc sư cho trồng cây xanh mọc xuyên các tầng. Tán cây có thể giúp giảm bớt ánh nắng chiếu trực tiếp vào mái nhà hoặc trần nhà, đồng thời tạo nên một "công viên" thu nhỏ trên mái nhà.

Nhà bếp, các không gian đa chức năng, bãi cỏ, sân, ao,... được bố trí đan xen. Các cột bê tông ở trung tâm của ngôi nhà được thay thế bằng các cột đá địa phương. 

Sân, ao kết nối trực tiếp với không gian bếp và phòng ăn bên trong nhà 2 tầng.

Các khối chức năng tạo sự riêng tư ở tầng 2 phân chia thiên nhiên theo chiều dọc (tầng 1 - trệt và tầng mái - giếng trời).

"Cửa sổ" trên tường, sàn, trần nhà được mở tùy theo chức năng cụ thể của từng phòng, giúp chúng kết nối với toàn bộ ngôi nhà. 

Bố trí xen kẽ ở tầng trệt, kết hợp các khoảng trống theo chiều dọc trên sàn, tường và trần, cây xanh hiện diện khắp mọi ngóc ngách trong ngôi nhà.

Phòng thư giãn ở tầng trên cùng với tường kính trong suốt.

Khoảng sân bê tông rộng rãi, ngập tràn nắng gió.

Cầu thang gỗ bậc hở cho phép ánh sáng tự nhiên dễ dàng xuyên qua, đồng thời tạo độ thoáng nhất định cho không gian sống.

Phòng sinh hoạt chung rộng rãi, sử dụng nội thất thấp gọn, kiểu dáng hiện đại. Tại trung tâm tầng 2, kiến trúc sư sử dụng kết cấu vách gỗ với mong muốn tạo sự gần gũi và kết nối mọi không gian riêng tư với nhau.

Phòng ngủ của con nối với bãi cỏ là khoảng không gian trống rộng ở phía sau nhà, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời của gia đình.

Phòng ngủ master nhìn thẳng ra khu vườn phía trước, nơi có những tán cây tỏa bóng mát, giúp giữ sự riêng tư cho căn phòng. 



Mặt bằng tầng 2 và mái

Phối cảnh cấu trúc ngôi nhà 2 tầng ở Thủ Dầu Một

Theo thanhnienviet